Cực đoan đô thị - trọng tâm của kịch bản biến đổi khí hậu 2025

2025-07-03 16:32:00.0

Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cập nhật năm 2025 sẽ bổ sung các tác động cực đoan tới đô thị, bám sát nhu cầu quy hoạch tại địa phương.

Ngày 2/7, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phối hợp cùng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ NN-MT), Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (UKMO) tổ chức Hội thảo tham vấn kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Dịch vụ Thông tin thời tiết và khí hậu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, do Bộ Ngoại giao, Khối thịnh vượng chung và Phát triển Vương quốc Anh tài trợ.

 Theo Luật Khí tượng Thủy văn, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) là đơn vị đầu mối quốc gia có trách nhiệm cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu định kỳ 5 năm một lần. Việt Nam đã có 4 lần công bố Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng vào các năm 2009, 2012, 2016 và 2020.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà – Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH chia sẻ về kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cập nhật năm 2025. Ảnh: Trung Nguyên.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà – Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH cho biết: Kể từ Báo cáo đánh giá đầu tiên về BĐKH ở cấp độ toàn cầu và khu vực do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) công bố năm 1990 đến Báo cáo đánh giá lần thứ 6 (AR6) gần đây nhất công bố năm 2021, việc xây dựng các kịch bản đã có nhiều bước tiến lớn về phương pháp và độ chi tiết.

Tiếp nối kịch bản BĐKH năm 2020 và trên cơ sở AR6 của IPCC, Viện đã phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế xây dựng và cập nhật kịch bản BĐKH cho Việt Nam phiên bản năm 2025. Bản cập nhật năm 2025 chú trọng vào các hiện tượng khí hậu cực đoan, đặc biệt là cực đoan đô thị và mực nước biển dâng, phục vụ sát thực hơn nhu cầu quy hoạch, xây dựng chính sách và ứng phó tại các địa phương. Kịch bản cũng sẽ đưa vào các phương án tính toán phù hợp với thực tiễn sáp nhập các tỉnh/thành phố và thực hiện chính quyền hai cấp từ ngày 1/7/2025.

Bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Tân.

Bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu khẳng định: Kịch bản BĐKH là căn cứ khoa học quan trọng, có giá trị trong việc hoạch định chính sách, quy hoạch và lập kế hoạch cho các ngành, lĩnh vực cũng như các địa phương. Trong bối cảnh thay đổi về cơ cấu tổ chức hành chính theo chính quyền địa phương hai cấp, đại diện Cục BĐKH kỳ vọng Viện sẽ sớm hoàn thiện kịch bản cập nhật để có thể công bố vào Quý 1/2026, phục vụ các ngành, địa phương trong giai đoạn tới.

Đề cập đến những điểm mới của kịch bản BĐKH, nước biển dâng năm 2025 (so với kịch bản năm 2020), TS. Trương Bá Kiên, Viện Khoa học KTTV&BĐKH cho biết: Kịch bản 2025 sử dụng 3 kịch bản phát thải tương ứng với các kịch bản phát triển bền vững, trung bình và phát thải cao, phù hợp với định hướng Việt Nam hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

6 báo cáo đánh giá biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu và khu vực của IPCC và 4 kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng do Việt Nam công bố. Ảnh: IMHEN.

Về hình thức công bố, kịch bản 2025 đổi mới mạnh mẽ khi tích hợp trên nền tảng số. Người dùng có thể tra cứu trên nền tảng WebGIS tương tác, tải dữ liệu và thực hiện phân tích sơ cấp. Dữ liệu mở theo vùng, theo ngành và theo thời đoạn (mùa, năm, 5 năm) giúp tăng khả năng ứng dụng vào quy hoạch, xây dựng, nông nghiệp, y tế, và đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu.

Kịch bản mới sẽ bổ sung kịch bản tác động của BĐKH đến lĩnh vực nông nghiệp. Riêng khu vực đô thị TP HCM, Hà Nội, sẽ có kịch bản rủi ro tác động của BĐKH đến sức khỏe con người, công trình xây dựng (có tính đến quy hoạch sử dụng đất).

Theo bà Emma Dyer - Cơ quan Khí tượng Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen, các mô hình tính toán mới được đưa vào trong lần cập nhật này. Trong đó có mô hình xây dựng kịch bản cực trị khí hậu và kịch bản khí hậu đô thị cho Việt Nam có độ phân giải cao tới 4,4 km. Mô hình này cho phép mô phỏng chính xác hơn các hiện tượng mưa lớn, dông, nắng nóng kéo dài, từ đó cung cấp nền tảng khoa học vững chắc cho việc xây dựng các biện pháp ứng phó cụ thể với từng loại hình thiên tai.

Bà Emma Dyer - Cơ quan Khí tượng Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen trao đổi về việc áp dụng mô hình hiện đại giúp đưa ra kịch bản biến đổi khí hậu có độ phân giải cao. Ảnh: Trung Nguyên.

Độ phân giải của kịch bản BĐKH ở các khu vực trọng điểm như đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Bộ đạt khoảng 5–10 km; còn ở phạm vi quốc gia là 10-15 km. Đây là bước tiến đáng kể so với kịch bản năm 2020 với độ phân giải là 25 km cho toàn quốc.

Đặc biệt, kịch bản cập nhật 2025 sẽ lần đầu tiên tích hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để dự tính rủi ro và nguy cơ ngập lụt trong tương lai, có xét đến cả các yếu tố mới như đê biển, quy hoạch hạ tầng ven biển trong tương lai, độ dốc, hướng địa hình, mật độ dân cư... Kịch bản BĐKH cũng nhấn mạnh đến việc đánh giá tác động BĐKH đến các lĩnh vực nhạy cảm, từ đó phục vụ thiết thực cho việc lập quy hoạch phát triển vùng, địa phương và ứng phó hiệu quả với rủi ro thiên tai.

Với sự tham gia của hơn 60 đại biểu là các chuyên gia quốc tế và trong nước, đại diện đến từ sở ban ngành, Viện nghiên cứu, trường đại học tại Hà Nội và các tỉnh lân cận… hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi chuyên sâu về phương pháp, kỹ thuật dự tính khí hậu và nhu cầu sử dụng thông tin trong công tác lập kế hoạch, quản lý và ra quyết định. Dựa trên các ý kiến này, Viện Khoa học KTTV&BĐKH sẽ hoàn thiện cho kịch bản BĐKH cho Việt Nam. Qua đó đảm bảo tính ứng dụng cao và phục vụ hiệu quả cho công tác ra quyết định, lập kế hoạch và quản lý ở các cấp, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về ứng phó BĐKH đến năm 2050.


nongnghiepmoitruong.vn

VIDEO

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 24953

CHI CỤC THỦY LỢI VÀ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TỈNH THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Đ/c: Số 11A, Ngõ 566, đường Lương Ngọc Quyến, Tổ 4 - Phường Đồng Quang, Thành phố Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên

Điện thoại: 02083.737.113 Fax:0208.3.851.318 - Email: phongchongthientaithainguyen@gmail.com

Trưởng ban biên tập: Đ/c Nguyễn Tiến Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai; Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên