Những chính sách mới có hiệu lực từ ngày 10/4/2023

2023-04-30 15:12:00.0

Quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức; quy định mã số, tiêu chuẩn scs danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền văn hóa; quy định về việc áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu, trứng gia cầm có xuất xứ từ các nước thành viên của liên minh kinh tế Á – Âu trong giai đoạn 2023 – 2027… là những chính sách mới có hiệu lực từ ngày 10/4/2023.

Quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền, nội dung, hình thức và việc thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia tuyển dụng vào làm công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo quy định tại Nghị định số 06/2023/NĐ-CP áp dụng đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức thi tuyển.

Theo Nghị định, nguyên tắc thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức được quy định cụ thể, đó là:

Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền.

Nguyên tắc thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức như sau: Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; kết quả kiểm định được sử dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc; không hạn chế số lần được đăng ký dự kiểm định đối với mỗi thí sinh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Việc tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức được quy định:

Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức định kỳ 02 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm.

Trước ngày 31 tháng 01 hằng năm, Bộ Nội vụ công bố kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Trường hợp các cơ quan tuyển dụng công chức có nhu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức thì xây dựng kế hoạch, thông báo theo quy định tại Điều 7 Nghị định này và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự kiểm định tại Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý; lập danh sách thí sinh gửi Bộ Nội vụ để tổ chức kiểm định. Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được danh sách, Bộ Nội vụ tiến hành tổ chức kiểm định.

Về hình thức, nội dung và thời gian kiểm định được Nghị định quy định rõ ràng tại Điều 5 như sau:

Hình thức kiểm định: Thi trắc nghiệm trên máy vi tính.

Nội dung kiểm định: Đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn; hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức, đạo đức công vụ; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử.

Thời gian, số lượng câu hỏi kiểm định: Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ đại học trở lên: 120 phút, số lượng câu hỏi 100 câu. Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ trung cấp, cao đẳng: 100 phút, số lượng câu hỏi 80 câu.

Việc xác định đạt kết quả trong kỳ kiểm định như sau: Kết quả kiểm định được xác định theo số câu trả lời đúng trong bài thi. Thí sinh trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên thì được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Trình tự tổ chức kiểm định được xác định tại Điều 9 của Nghị định đó là:

Hội đồng kiểm định thông báo danh sách và triệu tập thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham dự kiểm định công chức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày thông báo triệu tập thí sinh, Hội đồng kiểm định tiến hành tổ chức kiểm định.

Việc tổ chức kiểm định được thực hiện trên máy vi tính. Kết quả kiểm định được thông báo cho thí sinh được biết ngay sau khi kết thúc thời gian làm bài kiểm định và không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả kiểm định.

Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ kiểm định, Hội đồng kiểm định báo cáo người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức phê duyệt kết quả kiểm định; kết quả kiểm định được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Nghị định số 06/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10 tháng 4 năm 2023.

Quy định mã số, tiêu chuẩn scs danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền văn hóa

Thông tư số 02/2023/TT-BVHTTDL ngày 21/02/2023 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa. Áp dụng đối với viên chức tuyên truyền viên văn hóa làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Mã số các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa được Thông tư quy định tại Điều 2 cụ thể là:

Tuyên truyền viên văn hóa chính Mã số: V.10.10.34

Tuyên truyền viên văn hóa Mã số: V.10.10.35

Tuyên truyền viên văn hóa trung cấp Mã số: V.10.10.36

Ngoài quy định chung về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của viên chức tuyên truyền viên văn hóa, Thông tư còn xác định rõ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với từng chức danh viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa. Cùng với đó, Thông tư cũng đặt ra những yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa và xác định nhiệm vụ của từng chức danh cụ thể như sau:  

Đối với tuyên truyền viên văn hóa chính - Mã số: V.10.10.34

Nhiệm vụ: Chủ trì xây dựng kế hoạch hoạt động dài hạn, trung hạn, hàng năm về hoạt động tuyên truyền của đơn vị và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; chủ trì biên soạn tài liệu và trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động tuyên truyền cho cơ sở; chủ trì tổ chức và thực hiện biên tập nội dung chương trình tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; các phong trào, các cuộc vận động lớn; các ngày lễ, kỉ niệm lớn của địa phương và đất nước; tổ chức biên soạn, biên tập các thể loại tin tức, tài liệu tuyên truyền; sáng tác, dàn dựng chương trình, tiết mục văn nghệ, tuyên truyền lưu động; thiết kế, dàn dựng triển lãm, cổ động trực quan; tham gia các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ hoạt động tuyên truyền.

Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa; có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa.

Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động tuyên truyền; nắm vững phương pháp tổ chức, hình thức hoạt động tuyên truyền; nắm vững lịch sử, văn hóa, xã hội trên địa bàn được phân công quản lý; có chuyên môn về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; am hiểu kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền; có năng lực thu thập, phân tích, tổng hợp và đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền; có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.

Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa chính: Có thời gian công tác giữ chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Đối với tuyên truyền viên văn hóa - Mã số: V.10.10.35

Nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch hàng năm về công tác tuyên truyền được giao và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; trực tiếp biên soạn, thiết kế, trình bày các thể loại tin tức, tài liệu tuyên truyền; thực hiện tuyên truyền bằng tin tức, lời nói trực tiếp, thuyết minh, thuyết trình theo đề cương biên tập đã được duyệt; tham gia tổ chức, dàn dựng chương trình, tiết mục văn nghệ, tuyên truyền lưu động; trực tiếp biểu diễn các tiết mục văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị; tham gia thiết kế, dàn dựng các triển lãm, cổ động trực quan tại chỗ và lưu động; trực tiếp xây dựng đề cương tổng quát, đề cương chi tiết, biên tập, chú thích hình ảnh theo chủ đề, viết bài, thuyết minh nội dung triển lãm tại chỗ và lưu động.

Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa; có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa.

Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động tuyên truyền; nắm được phương pháp tổ chức, hình thức hoạt động tuyên truyền; có hiểu biết về lịch sử, văn hóa, xã hội trên địa bàn được phân công quản lý; có kiến thức về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; có một trong các kỹ năng: Thuyết minh, thuyết trình, biểu diễn nhạc cụ, biểu diễn văn nghệ, hội họa, thiết kế, thi công cổ động trực quan hoặc các kỹ năng nghiệp vụ khác phù hợp với hình thức tuyên truyền; sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ yêu cầu nhiệm vụ; có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.

Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa: Có thời gian công tác giữ chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hoá trung cấp hoặc tương đương từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh tuyên truyền viên văn hoá trung cấp tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Đối với ruyên truyền viên văn hóa trung cấp - Mã số: V.10.10.36

Nhiệm vụ: Trực tiếp tham gia thực hiện tổ chức, biểu diễn các hoạt động tuyên truyền lưu động, hoạt động văn hóa, văn nghệ và các hình thức tuyên truyền cổ động khác tại chỗ hoặc lưu động phù hợp với nhiệm vụ được giao; chụp ảnh, quay phim, thực hiện audio làm tư liệu phục vụ nội dung tuyên truyền.

Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng: Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên phù hợp với chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa; có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa.

Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động tuyên truyền; có kiến thức cơ bản về công tác tuyên truyền và các bộ môn văn hóa nghệ thuật liên quan; có một trong các kỹ năng: Thuyết minh, thuyết trình, biểu diễn nhạc cụ, biểu diễn văn nghệ, hội họa, thiết kế, thi công cổ động trực quan hoặc các kỹ năng nghiệp vụ khác phù hợp với hình thức tuyên truyền; sử dụng được các phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ yêu cầu nhiệm vụ; có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Một điểm đáng chú ý khác, đó là nguyên tắc xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa cũng được Thồng tư quy định cụ thể tại Điều 7 như sau:

Việc bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ và chuyên môn, nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức.

Khi bổ nhiệm và xếp lương vào các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Thông tư số 02/2023/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 10 tháng 4 năm 2023.

Quy định về việc áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu, trứng gia cầm có xuất xứ từ các nước thành viên của liên minh kinh tế Á – Âu trong giai đoạn 2023 - 2027

Áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với thuốc lá nguyên liệu, trứng gia cầm có xuất xứ từ các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu trong giai đoạn 2023 - 2027.

Thông tư số 04/2023/TT-BCT ngày 20/02/2023 áp dụng đối với các thương nhân nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan thuốc lá nguyên liệu, trứng gia cầm từ các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Về hàng hóa và lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được Thông tư quy định như sau:

Mã số hàng hóa và lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu của mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan quy định tại Điều 1 Thông tư này trong giai đoạn 2023 - 2027 thực hiện theo Phụ lục ban hành kèm theo.

Hàng hóa nhập khẩu từ các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O mẫu EAV) cấp theo quy định hiện hành.

Đối tượng được phân giao bao gồm: Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu được phân giao cho thương nhân có giấy phép sản xuất thuốc lá điếu do Bộ Công Thương cấp và có nhu cầu sử dụng thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất thuốc lá điếu. Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu trứng gia cầm được phân giao cho thương nhân có nhu cầu nhập khẩu.

Phương thức phân giao được Thông tư xác định: Phương thức phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu, trứng gia cầm được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 12/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.

Thông tư số 04/2023/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 4 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2027.

Ban hành Quy chế tổ chức hoạt động củaTrường Phổ thông dân tộc nội trú

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT ngày 23/02/2023 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Phổ thông dân tộc nội trú.

Theo đó, Quy chế quy định về tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú (sau đây viết tắt là PTDTNT), bao gồm: tổ chức và quản lý nhà trường; tuyển sinh, tổ chức hoạt động giáo dục và chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý học sinh; nhiệm vụ và quyền của giáo viên, nhân viên, học sinh. Quy chế này áp dụng đối với trường PTDTNT và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đối với Trường Hữu Nghị 80, Trường Hữu Nghị T78 và Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc được áp dụng quy chế này để thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc nội trú.

Trường PTDTNT thực hiện theo các quy định của Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (sau đây gọi chung là Điều lệ trường trung học) và các quy định tại Quy chế này.

Quy chế xác định Trường phổ thông dân tộc nội trú và học sinh dân tộc nội trú như sau: Trường PTDTNT được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm mục tiêu tạo nguồn đào tạo nhân lực có chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Học sinh dân tộc nội trú: Học sinh thuộc đối tượng quy định tại Điều 9 của Quy chế này được tuyển vào học ở trường PTDTNT.

Nhiệm vụ của trường phổ thông dân tộc nội trú được Quy chế xác định đó là:

Trường PTDTNT thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều lệ trường, trung học và các nhiệm vụ sau: Chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý học sinh dân tộc nội trú; đảm bảo các điều kiện để học sinh dân tộc nội trú được học tập, ăn, ở và sinh hoạt an toàn tại trường; tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù phù hợp với học sinh dân tộc nội trú; giáo dục học sinh về chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam; ý thức tham gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề truyền thống phù hợp với năng lực, phẩm chất của học sinh, điều kiện và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; theo dõi, thống kê số lượng học sinh, đánh giá hiệu quả giáo dục hằng năm và theo từng giai đoạn để xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của trường PTDTNT.

Về hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú gồm: Trường PTDTNT trung học cơ sở; Trường PTDTNT trung học phổ thông; Trường PTDTNT trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Về phân cấp quản lý được quy định như sau:

Trường PTDTNT trung học cơ sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý.

Trường PTDTNT có cấp học cao nhất là cấp trung học phổ thông do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng nội dung phối hợp quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục liên quan đến trường PTDTNT trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Trường Hữu Nghị 80, Trường Hữu Nghị T78 và Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc do bộ, ngành trung ương quản lý; chịu sự phối hợp quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo nơi trường đặt trụ sở về thực hiện chương trình, tổ chức thi tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp.

Về nhiệm vụ và quyền của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng:

Ngoài các nhiệm vụ và quyền được quy định tại Điều lệ trường trung học, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường PTDTNT còn có nhiệm vụ và quyền sau: Nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của trường PTDTNT quy định tại Điều 3 của Quy chế này; tìm hiểu văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán và đặc điểm tâm lý học sinh dân tộc thiểu số ở địa phương; xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù phù hợp với học sinh dân tộc nội trú quy định tại Điều 13, Điều 14 và Điều 15 của Quy chế này; phối hợp với chính quyền, các cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý học sinh dân tộc nội trú; được bồi dưỡng về phương pháp giáo dục, chăm sóc và quản lý học sinh dân tộc nội trú.

Về đối tượng tuyển sinh được Quy chế xác định cụ thể đó là:

Học sinh là người dân tộc thiểu số mà bản thân và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú từ 36 tháng liên tục trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ tuyển sinh tại: Xã, phường, thị trấn khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quy định của cấp có thẩm quyền (sau đây gọi chung là xã, thôn đặc biệt khó khăn); xã, phường, thị trấn khu vực II và khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Học sinh dân tộc thiểu số rất ít người được quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ Quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người.

Học sinh là người dân tộc Kinh mà bản thân và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú từ 36 tháng liên tục trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ tuyển sinh tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Trường PTDTNT được tuyển không quá 10% học sinh là người dân tộc Kinh trong tổng số chỉ tiêu tuyển mới hằng năm.

Trường hợp học sinh thuộc đối tượng tuyển sinh quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này nhỏ hơn quy mô của trường PTDTNT trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quy định thêm vùng tạo nguồn đào tạo nhân lực cho các dân tộc đế tuyển sinh thêm đối tượng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo mà bản thân và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú từ 36 tháng liên tục trở lên tại vùng này tính đến ngày nộp hồ sơ tuyển sinh.

Đối với phương thức tuyển sinh, chế độ ưu tiên và tuyển thẳng được Quy chế xác định cụ thể như sau:

Phương thức tuyển sinh và chế độ ưu tiên được thực hiện theo quy định tại Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Tuyển thẳng vào trường PTDTNT các đối tượng sau: Học sinh dân tộc thiểu số rất ít người; học sinh trung học cơ sở thuộc đối tượng quy định tại Điều 9 của Quy chế này đạt giải cấp quốc gia, quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học, kỹ thuật được tuyển thẳng vào học trường PTDTNT trung học phổ thông; học sinh tiểu học thuộc đối tượng quy định tại Điều 9 của Quy chế này đạt giải cấp tỉnh trở lên về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tuyển thẳng vào học trường PTDTNT trung học cơ sở.

Về nhiệm vụ và quyền của giáo viên được quy định cụ thể tại Điều 16 của Quy chế đó là:

Ngoài các nhiệm vụ và quyền được quy định tại Điều lệ trường trung học, giáo viên trường PTDTNT có nhiệm vụ và quyền sau: Chấp hành phân công của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trong tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ của trường PTDTNT; giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc cho học sinh dân tộc nội trú; tìm hiểu văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán và đặc điểm tâm lý học sinh các dân tộc thiểu số ở địa phương.

Vận dụng phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá phù hợp với học sinh dân tộc nội trú, đảm bảo yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh theo quy định; tham gia giáo dục, chăm sóc, quản lý học sinh ngoài giờ lên lớp và tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù; bồi dưỡng và phụ đạo học sinh; hướng dẫn học sinh tự học. Được bồi dưỡng về phương pháp giáo dục, chăm sóc và quản lý học sinh dân tộc nội trú.

Về nhiệm vụ và quyền của nhân viên:

Ngoài các nhiệm vụ và quyền được quy định tại Điều lệ trường trung học, nhân viên trường PTDTNT có nhiệm vụ và quyền sau: Thực hiện sự phân công của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của trường PTDTNT; tìm hiểu văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán và đặc điểm tâm lý học sinh dân tộc thiểu số ở địa phương; được bồi dưỡng về phương pháp giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý học sinh dân tộc nội trú.

Nhiệm vụ và quyền của học sinh dân tộc nội trú:

Ngoài các nhiệm vụ và quyền của học sinh được quy định tại Điều lệ trường trung học, học sinh dân tộc nội trú còn có nhiệm vụ và quyền sau: Giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, tôn trọng bản sắc văn hóa của các dân tộc khác; được ăn, ở, sinh hoạt trong khu nội trú và được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước; khi có nhu cầu cá nhân tham gia các hoạt động ngoài nhà trường, học sinh phải xin phép theo quy định của nhà trường./.

Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 10 tháng 4 năm 2023.

Thanh tâm (Tổng hợp và biên tập)
thainguyen.gov.vn

VIDEO

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 23729

CHI CỤC THỦY LỢI VÀ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TỈNH THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Đ/c: Số 11A, Ngõ 566, đường Lương Ngọc Quyến, Tổ 4 - Phường Đồng Quang, Thành phố Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên

Điện thoại: 02083.737.113 Fax:0208.3.851.318 - Email: phongchongthientaithainguyen@gmail.com

Trưởng ban biên tập: Đ/c Nguyễn Tiến Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai; Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên