Giữ an toàn hệ thống đê trong mùa mưa bão
2023-10-31 17:04:00.0
Do tình trạng biến đổi khí hậu, trong mùa mưa bão, tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Trước tình hình trên, Chi cục Thủy lợi đã tiến hành khảo sát thực tế, tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất UBND tỉnh ban hành phương án hộ đê để góp phần đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Tỉnh Thái Nguyên hiện có 7 tuyến đê với tổng chiều dài 48km. Trước mùa mưa bão năm nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình đê điều. Từng tuyến đê đều được đánh giá về: cao trình chống lũ, mặt cắt ngang đê, tre chắn sóng, gia cố mặt đê, đường hành lang đê, hệ thống kè, cống dưới đê, công trình quản lý và kho vật tư phòng chống lụt bão. Kết quả kiểm tra cho thấy, hiện trang 7 tuyến đê cơ bản đảm bảo đủ khả năng chống lũ với mực nước thiết kế. Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống lụt, bão cần tăng cường kiểm tra, tuần tra canh gác phát hiện sớm những sự cố đê điều để xử lý, ứng cứu ngay từ giờ đầu, đặc biệt là các vị trí đê xung yếu.
Ảnh: Cán bộ Hạt quản lý đê Hà Châu (Phú Bình) kiểm tra thực trạng thân đê |
Sau khi kiểm tra, đánh giá hiện trạng, xác định các trọng điểm xung yếu cần bảo vệ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt phương án hộ đê năm 2023. Theo đó, tại các điểm xung yếu đều có phương án bảo vệ trọng điểm, giả định tình huống, sự cố có thể xảy ra và giải pháp xử lý. Cùng với đó, công tác chuẩn bị về vật tư, phương tiện, thiết bị, nhân lực để xử lý sự cố cũng được chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ” để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra ở mức thấp nhất. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nội dung của phương án; thông tin kịp thời mọi diễn biến bất thường xảy ra trên địa bàn, nhanh chóng xử lý các sự cố ngay từ khi mới phát sinh. Các địa phương có đê tăng cường xử lý các hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ.
Ảnh: Kiểm tra vật tư phục vụ công tác hộ đê |
Cùng với việc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành phương án hộ đê, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ, ngành liên quan quan tâm, tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác duy tu, sửa chữa, tu bổ đê, kè của tỉnh, trước mắt cần bố trí kinh phí để xoá bỏ các vị trí trọng điểm, xung yếu đã đề xuất trong năm 2023. Ngoài ra, Sở cũng đề nghị các huyện, thành phố có đê tiếp tục chỉ đạo UBND các phường, xã nơi có tuyến đê đi qua tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong việc ngăn chặn và xử lý vi phạm Luật Đê điều; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Thủy lợi không để tình trạng lấn chiếm bờ, bãi và lòng sông, đổ phế thải ra sông, mở bến bãi, khai thác cát, sỏi trái phép. Cùng với đó, các cấp, các ngành, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố cần tập trung sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống thiên tai, phương án hộ đê theo kế hoạch đề ra.
Với sự vào cuộc chủ động, tích cực của ngành chức năng và chính quyền địa phương, do vậy nhiều năm nay, các tuyến đê trên địa bàn tỉnh không xảy ra sự cố trong mùa mưa bão./.
Chi cục Thủy lợi